Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Cây di sản - niềm tự hào của người dân
Lượt xem: 4685
Trước những đổi thay của quá trình đô thị hóa, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được những cây cổ thụ có tuổi thọ trên 300 năm tuổi, được vinh danh là Cây di sản (CDS) Việt Nam. Qua năm tháng, những CDS không chỉ góp phần tạo cảnh quan, giá trị sinh thái, mà còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của người dân.
Cụm cây cổ thụ tại đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố) được chính quyền xã và người dân bảo tồn, chăm sóc phát triển tốt.

ĐI CÙNG THÁNG NĂM LỊCH SỬ

Cây nghiến cổ thụ tại làng Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) là một trong những “chứng nhân” lịch sử với tuổi thọ hơn 500 năm tuổi. Cây có chiều cao hơn 40 m, đường kính đo tại gốc hơn 2 m, được vinh danh là CDS Việt Nam vào ngày 16/5/2011, nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Cây mọc ngay trước lối vào hang Cốc Bó, trên sườn núi, sát bờ suối Lê-nin. Vì vậy, cây nghiến cổ thụ tại làng Pác Pó không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, nhiều cụ cao niên ở làng Pác Bó còn coi cây nghiến cổ thụ là  “báu vật” của làng và của cả Khu di tích.

Đồng chí Triệu Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Trường Hà (Hà Quảng) cho biết: Năm 2011, cây nghiến cổ thụ trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó trở thành 1 trong 3 cây đầu tiên của tỉnh được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là CDS Việt Nam. Đây là niềm tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Ngay sau khi được công nhận, UBND xã phối hợp cùng Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh trực tiếp bảo tồn, chăm sóc, bảo vệ cây. Với tuổi đời hơn 500 năm, cây nghiến đồng hành với bao thế hệ, chứng kiến những thời khắc quan trọng của mảnh đất Trường Hà.

Ở Đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố) có cụm 3 cây cổ thụ được công nhận là CDS Việt Nam, gồm: cây muỗm, cây gạo có tuổi đời trên 300 năm, cây đa tía có tuổi đời trên 800 năm. Trong khuôn viên ngôi đền, cụm 3 cây cổ thụ sừng sững, phát triển xanh tốt, thế đứng vững vàng, thân cây gạo làm giá đỡ cho cây đa, trải qua nhiều năm tháng, cụm 3 cây vẫn đứng hiên ngang như một chứng nhân gắn liền với nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Theo đồng chí Mã Hùng Cường, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Vĩnh Quang, năm 2014, cụm 3 cây cổ thụ trong khuôn viên Đền Kỳ Sầm được công nhận là CDS, bà con trong xã rất phấn khởi, tự hào. Để giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ CDS, nhân dân trong xã chủ động vệ sinh, chăm sóc cụm cây cổ thụ. Đây là niềm tự hào đối với địa phương có cây được công nhận nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung, góp phần khuyến khích sự tham gia sâu rộng của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, bảo vệ cảnh quan, môi trường thiên nhiên.

Không chỉ có cây nghiến, cụm cây đa, cây gạo, cây muỗm mà hầu hết những CDS trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi có dịp ghé thăm, nghe người xưa, người nay kể lại, đều lưu dấu những câu chuyện lịch sử gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển quê hương.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÂY DI SẢN

CDS là những cây thân gỗ, có tuổi thọ trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên; có giá trị về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử... Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, yếu tố quan trọng khiến những cây cổ thụ hiện được đánh giá cao và công nhận là CDS còn nằm ở khía cạnh giá trị kinh tế và bảo tồn nguồn gen hiện tại và trong tương lai.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cây cổ thụ, 2 quần thể cây được vinh danh là CDS Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cây cổ thụ do có tuổi đời cao đang đứng trước sự xâm hại của các loại nấm, sâu bệnh, chặt phá của con người... Việc những cây cổ thụ có niên đại hằng trăm năm bị chết dần là một mất mát lớn, không chỉ về ý nghĩa lịch sử - văn hóa mà còn ở khía cạnh đa dạng sinh học. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc CDS rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng trong nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.

Cây nghiến cổ thụ có tuổi đời trên 500 năm được vinh danh là Cây di sản Việt Nam tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).

Ông Đàm Văn Lý, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh cho biết: Để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ, CDS trên địa bàn tỉnh cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng trong việc tập trung nghiên cứu điều kiện sinh lý và sinh thái, đất đai, thổ nhưỡng từng vùng cũng như nguyên nhân xuất hiện các loại sâu hại để có biện pháp khắc phục, bảo vệ cây. Cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo giục, phổ biến quy định liên quan, các kỹ năng chăm sóc để bảo tồn CDS một cách hiệu quả nhất.

Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ CDS đang được UBND tỉnh, các ngành liên quan, cấp có thẩm quyền tiến hành nghiên cứu và ra quyết định công nhận cây cổ thụ là di tích cần được bảo tồn, đảm bảo tính pháp lý cho việc bảo vệ và chăm sóc. Từ đó tiến hành lập hồ sơ chi tiết từng cây, gắn biển cây đã có quyết định bảo tồn, không được chặt phá. Các cấp chính quyền ở cơ sở phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nguời có uy tín thực hiện tuyên truyền sâu rộng công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị CDS đến mỗi người dân, nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan xung quanh khu vực CDS, coi CDS như là “bảo bối” của quê hương. Khuyến khích các địa phương đưa nội dung bảo vệ CDS, cây cổ thụ vào hương ước, quy ước, tiến tới xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ cây cổ thụ và CDS. Gắn trách nhiệm bảo vệ cây cổ thụ, CDS với trách nhiệm của từng xóm, từng gia đình, người dân. Tăng cường phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn CDS, di tích - danh thắng, từng bước hình thành ý thức quý trọng cây cổ thụ, CDS cho các tầng lớp nhân dân.

Dù ở bất cứ thời điểm nào, CDS đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội. Việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc CDS là hành động thiết thực gìn giữ cho mai sau một kho giá trị khó có thể đong đếm. Vì vậy, cần giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị lịch sử gắn liền với những bước chuyển của quê hương.        

Lương Thanh - baocaobang.vn
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang