Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Mùa xuân hành trình đến Hạ Lang - Miền đất của những cây cổ thụ
Lượt xem: 4743
Vào một ngày giữa tháng 3 năm Tân Sửu 2021, trong tiết trời se lạnh, Thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng đã tổ chức chuyến công tác đi Hạ Lang để khảo sát cây cổ thụ tại một số xã trên địa bàn huyện. Cùng đi có Ông Hoàng Đức Hiền, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin tỉnh Cao Bằng, nguyên Bí thư huyện ủy Hạ Lang, người gắn bó với cảnh quan thiên nhiên môi trường từ rất sớm, nhất là việc gìn giữ bảo vệ cây xanh tại quê hương ông. 

Đoàn khảo sát chụp ảnh tại gốc cây nghiến cổ thụ. 

Nắm được thông tin từ trước chúng tôi đi thẳng đến trụ sở xã Đồng Loan, một trong những địa phương có nhiều cây cổ thụ như Nghiến, Đa, Hoa sữa...còn tồn tại đến ngày nay. Được các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã tiếp và trao đổi công việc với chúng tôi về công tác bảo vệ gìn giữ cây xanh, cộng đồng dân cư địa phương rất mong muốn các cấp có thẩm quyền công nhận những cây cổ thụ ở quê mình thành cây di sản Việt Nam, nhằm góp phần khai thác tiềm năng du lịch của huyện thông qua việc bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tồn đa dạng sinh học.

Vì thời gian có hạn đoàn chúng tôi chỉ nghiên cứu, khảo sát  những cây cổ thụ có khả năng đạt tiêu chí cây DSVN, đồng thời là những cây có giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường nằm ở địa điểm tương đối thuận lợi về giao thông, có thể kết hợp khai thác các di tích văn hóa đã được xếp hạng phục vụ du khách tham quan tạo thành tuyến du lịch liên thông các huyện miền đông Trùng Khánh - Hạ Lang. 

Xã Đồng Loan hiện có 2 cây Nghiến cổ thụ, tuổi thọ từ 500-700 năm, đường kính thân từ 1,7-2,5m còn rất xanh tốt. Đó là cây nghiến Kéo Tó (nay là xóm Đồng Tâm) mọc trên sườn núi thấp, gần đường Quốc lộ 4A đoạn qua xã Đồng Loan và cây Nghiến xóm Lũng Rum, cách động Dơi, Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia khoảng 400m. Đây là 2 cây Nghiến cổ thụ còn sót lại do được người dân trong làng cùng bảo vệ đến ngày nay. Cũng nằm trên Quốc Lộ 4A còn có cây Hoa Sữa cổ thụ ngay đầu làng Bản Thuộc có tuổi cây khoảng 300 - 400 năm, chu vi thân 5,10m. Cụ Hoảng Tân Tiến năm nay 90 tuổi cán bộ tiền khởi nghĩa của tỉnh vẫn còn minh mẫn kể lại: “Thời ông nội tôi khi còn sống kể lại cây hoa sữa này đã to lớn như bây giờ”. Người dân nơi đây đã kiên quyết bảo vệ mặc dù khi mở rộng nâng cấp Quốc lộ 4A Ban QLDA Bộ GTVT đã định chặt hạ cây này để nắn đường.

         Tiếp tục hành trình đến xã Lý Quốc khảo sát cây cổ thụ, mặc dù vào ngày cuối tuần nhưng các đồng chí Lãnh đạo UBND xã vẫn còn làm việc nghiêm túc. Đồng chí Chủ tịch rất hoan nghênh đoàn đến địa phương khảo sát cây cổ thụ, đã cử đồng chí PCT và 01 cán bộ văn hóa xã đi cùng đoàn đi thẳng đến Bản Khoòng cách Trung tâm xã khoảng 9km hướng ra biên giới. Tại đây được người dân giới thiệu còn khá nhiều cây Sấu cổ thụ trong khu rừng đầu làng. Chúng tôi lại đến tận gốc từng cây cổ thụ để đo đạc, chụp ảnh, lấy thông tin về những cây Sấu cổ thụ có tuổi cây hàng trăm năm to cao sừng sững cành lá xanh tốt vẫn cho quả thường niên. Những cây sấu cổ thụ Bản Khoòng còn lại khoảng 6 cây đều cùng số đo như những cây cổ thụ vừa khảo sát ở xã Đồng Loan, đều có sự  kiên quyết bảo vệ môi trường thiên nhiên của người dân nên nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Vì vậy chính quyền và người dân địa phương rất mong được công nhận, cắm bia cây DSVN để tiếp tục bảo tồn lâu dài cho các thế hệ mai sau.

Mới đi qua khảo sát cây cổ thụ tại 02 xã, có thể chưa hết nhưng chúng tôi cảm nhận thấy Hạ Lang là huyện có nhiều cây cổ thụ, cây cổ thụ đầu tiên được công nhận cây DSVN vào năm 2013 là cây Nghiến xã Kim Loan tuổi thọ hàng nghìn năm, 7 người ôm không xuể. Hạ Lang cũng là huyện nhiều cây cổ thụ có giá trị bị chặt hạ nhiều nhất vào những năm 1980 khi chiến sự biên giới Việt -Trung vừa chấm dứt đời sống kinh tế đồng bào vùng giáp biên gặp muôn vàn khó khăn. Những năm gần đây 4 cây Dã hương cổ thụ trồng từ thời Pháp tại thị trấn Thanh Nhật cũng bị chặt hạ vì những lợi ích nho nhỏ. Hơn lúc nào hết lãnh đạo huyện, các cấp các ngành cần có kế hoạch tuyên truyền về công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trước hết là các cây cổ thụ quý hiếm còn lại.

Hy vọng Hạ Lang sẽ có những hạt nhân lãnh đạo tâm huyết như bác Hiền, bác Tân Tiến cùng các thế hệ lãnh đạo trẻ và cộng đồng dân cư đã bảo vệ tốt những cây cổ thụ quê hương, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, để địa phương có nhiều cây DSVN tiếp tục được công nhận trong tương lai./.

Tác giả: Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch Hội BVTN&MT Cao Bằng
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang