Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tăng cường sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Lượt xem: 5055
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và các loại hình tác động của BĐKH. Để thích ứng với những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra, các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp tỉnh đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó, bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Người dân xã Hưng Đạo (Thành phố) áp dụng các biện pháp bảo vệ cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng khí hậu cực đoan, nhiệt độ trung bình tăng cao, số ngày cực nóng và cực lạnh nhiều hơn, có hiện tượng mưa đá trái mùa, mùa vụ có khuynh hướng rút ngắn, bức xạ mặt trời mạnh, các áp lực về hạn, ẩm ngày càng cao, tạo điều kiện cho sâu hại cũng như các bệnh mới phát triển, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống và sản xuất của con người. Từ năm 2012 - 2020, toàn tỉnh xảy ra 27 trận lũ, lụt; 25 đợt sạt lở đất; 60 trận giông, lốc xoáy làm 35 người tử vong và thiệt hại tài sản hơn 895 tỷ đồng.

Để thích ứng với BĐKH, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế một số loại cây trồng, vật nuôi, các cấp, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, triển khai Đề án Nông nghiệp thông minh, các chương trình phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, bảo vệ môi trường; phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao...; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chủ động điều chỉnh mùa vụ sản xuất, nhân rộng một số giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng với các loại hình thời tiết do BĐKH gây ra.

Các mô hình cây trồng trái vụ; hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính; áp dụng các giải pháp công nghệ tiết kiệm nước, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình cấp thoát nước, hồ chứa bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp... được triển khai thực hiện hiệu quả.

Toàn tỉnh đã triển khai 38 mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH tại 35 xã thuộc các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An, thu hút 13 doanh nghiệp, hợp tác xã và 2.590 hộ dân tham gia; liên kết với các nhóm sở thích vùng dự án về đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Có gần 19.000 lượt người là cán bộ, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân được tiếp cận với hoạt động của các dự án, trong đó có trên 6.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo.

Thành lập và duy trì hoạt động 285 nhóm hộ nghèo, cận nghèo nông thôn, hộ nông dân, nhóm đồng sở thích (CIG) với sự tham gia của 3.988 thành viên. Các cơ quan chức năng phối hợp triển khai 210 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi theo các ngành, hàng thế mạnh của địa phương (VCAP) với sự tham gia của 7.043 lượt người.

Các mô hình nông nghiệp thích ứng với BĐKH đều áp dụng 2 kỹ thuật thích ứng BĐKH trở lên, như: Tiến hành trồng các giống cây trồng mới (lúa, ngô, lạc, đậu tương, rau màu, thuốc lá, chè) có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu lạnh, chịu mặn, chịu hạn, chịu úng); chế độ canh tác (ngập lụt, hạn hán) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của từng vùng (giá rét, ôn đới, nhiệt đới, hạn hán…).

Trồng dưa lưới vàng theo tiêu chuẩn VietGAP tại Thành phố thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, có giá trị kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) thực hiện mô hình trồng cỏ Pakchong phục vụ chăn nuôi gia  súc và hệ thống canh tác sườn đồi thí điểm tại các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An với phương thức hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí, người dân đối ứng tối thiểu 50% thông qua công lao động, cày bừa, chăm sóc, phân bón và đất trồng… trên diện tích 61,8 ha, 931 hộ tham gia. Hiện, bà con đã thu hoạch cỏ để phục vụ chăn nuôi.

Qua đánh giá, cỏ Pakchong phát triển, sinh trưởng tốt, phù hợp điều kiện canh tác của địa phương, thân cây mềm, ít lông nên trâu, bò thích ăn hơn và ăn được cả lá và thân cây. Ngoài ra, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân lồng ghép trồng các loại cây họ đậu, các hộ dân sau khi thu ngô vụ xuân hằng năm tự gieo trồng các loại đỗ tương, đỗ xanh, đỗ nho nhe… vào hệ thống canh tác trên sườn đồi, nương rẫy là phương pháp canh tác giảm chi phí, giúp hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi và suy thoái chất dinh dưỡng của đất. Các thân cây họ đậu còn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với BĐKH, Hợp tác xã nông nghiệp Trường Anh, xã Hưng Đạo (Thành phố) đã đầu tư khu nhà lưới rộng trên 4.000 m2, phủ màng nilon, hệ thống tưới, tiêu nước hiện đại… Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Trường Anh Đoàn Thu Trà cho biết: Trước đây ở khu vực xã Hưng Đạo, người dân chủ yếu canh tác lúa, ngô, bón nhiều phân đạm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như môi trường.

Nhận thấy lợi thế lớn về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại rau ôn đới, hoa quả ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, Hợp tác xã đã nghiên cứu, học hỏi và xây dựng quy trình canh tác các loại rau, hoa quả có giá trị cao, như: dưa lưới vàng, dưa lê Thiên nữ… áp dụng công nghệ vào sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản sạch, sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.  

Cùng với việc tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề tổ chức sản xuất nhằm thích ứng với BĐKH được người dân quan tâm, trong đó, tăng cường sử dụng giống ngắn ngày, giống chịu hạn, úng; điều chỉnh linh hoạt lịch thời vụ nhằm hạn chế tác động của thiên tai, sâu bệnh. Trong chăn nuôi, các trang trại ưu tiên các giống vật nuôi có khả năng thích ứng cao với môi trường sống.

Tỉnh tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi; tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, thực hiện tốt công tác trồng và bảo vệ rừng, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất… Phát triển các loại cây chủ lực, áp dụng khoa học công nghệ tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị đối với các loại cây trồng, như: cam, quýt, lê, gừng, nghệ, chanh leo…

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Truân cho biết: Thực hiện Quyết định số 2542/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng quy hoạch phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030; nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở thích ứng với BĐKH; điều chỉnh, rà soát bổ sung các kế hoạch phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, tiêu úng thoát lũ có lồng ghép và tính đến các yếu tố BĐKH; điều chỉnh linh hoạt lịch thời vụ phù hợp với những thay đổi về khí hậu so với quy luật nhằm hạn chế tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Các địa phương vận động bà con ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày, giống chịu hạn, úng; giống có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất lợi. Trước mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp tỉnh công bố danh mục về cơ cấu giống, nêu rõ ưu, nhược điểm, thời vụ của từng loại cây để bà con lựa chọn loại phù hợp nhất.

Một trong những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH được tỉnh và ngành nông nghiệp tập trung triển khai, đó là đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh các vùng đất trống, đặc biệt là trồng cây bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng phòng hộ. Bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có bằng cách tăng cường củng cố hệ thống rừng đặc dụng; hạn chế việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, khuyến khích người dân và cộng đồng địa phương tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của BĐKH gây ra.

Việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện ứng phó với BĐKH và sự đổi mới tư duy canh tác của nông dân đã giúp tỉnh chủ động các giải pháp thích nghi, điều tiết phương thức sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả và bền vững.               

Thanh Bình
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang