Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tăng cường kiểm soát môi trường tại các khu công nghiệp và làng nghề
Lượt xem: 4691
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng đã tham mưu, quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề (LN). Phát hiện và xử lý kịp thời ô nhiễm môi trường, không để xảy ra điểm nóng về môi trường.

Đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, xác minh theo kiến nghị của người dân về việc khói bụi của Nhà máy Gang thép Cao Bằng ảnh hưởng đến hoa màu tại xã Chu Trinh, Thành phố.

Khu công nghiệp Chu Trinh, thành phố Cao Bằng có tổng diện tích là 80,94 ha đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chưa có các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp nên không có phát sinh các loại chất thải gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh có 03 cụm công nghiệp được thành lập gồm: CCN Miền Đông I tại thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa; CCN Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng và CCN Đề Thám. Cả 03 cụm công nghiệp nêu trên vẫn chưa được cấp kinh phí để thực hiện, chưa phát sinh các nguồn chất thải, do đó việc đánh giá chất lượng môi trường chưa được thực hiện.

Toàn tỉnh hiện có 10 nghề đang hoạt động, bao gồm các nghề: làm miến, làm hương, làm giấy dó, rèn đúc, làm ngói máng, làm đường phên, làm bánh nướng, đan lát, dệt thổ cẩm và trạm khắc bạc, nhưng chưa có làng nào được công nhận là làng nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các làng có nghề chủ yếu là lĩnh vực: dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất giấy dó, giấy bản, hương thắp, làm miến dong, rèn đúc, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm. Các làng có nghề ở địa phương đều được sản xuất với quy mô nhỏ chủ yếu là hộ gia đình, các hoạt động sản xuất còn mang tính thời vụ tranh thủ vào lúc nông nhàn, chưa có máy móc sản xuất dây truyền hiện đại, giá trị hàng hóa thấp, sản phẩm hàng hóa còn mang tính đơn giản, nghèo nàn về mẫu mã. Do vậy, các nguồn chất thải phát sinh không lớn chủ yếu là quy mô hộ gia đình, chưa gây ô nhiễm và ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh, như các tỉnh có làng nghề phát triển mạnh.

Về nguồn nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm: Có 02 cơ sở có lưu lượng xả nước thải lớn hơn 1.000 m3/ngày đêm đó là: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng và Nhà máy đường Phục Hòa với tổng lưu lượng xả thải 22.050 m3/ngày đêm, 02 cơ sở này chỉ hoạt động sản xuất theo mùa vụ (1 năm hoạt động khoảng 4 - 5 tháng). Các cơ sở này, đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tương ứng với quy mô, công suất xả nước thải. Nước thải tại các cơ sở này đều được xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường tiếp nhận.  Về khí thải: Có 01 cơ sở phát sinh khí thải nguồn thải lớn Khu liên hiệp gang thép Cao Bằng thuộc Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng, tổng lưu lượng khí thải phát sinh khoảng 45.258 m3/h. Toàn bộ lượng khí thải sau sản xuất được đưa qua hệ thống lọc bụi túi vải và lọc bụi tĩnh điện trước khi thải ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ các cơ sở phát sinh nguồn thải lớn chưa được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động theo quy định.

Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành trong quá trình tham gia các dự án đầu tư vào KCN, CCN theo hướng không khuyến khích đầu tư các ngành, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chỉ chấp thuận dự án đầu tư phù hợp với tính chất, ngành nghề của KCN, CCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, trong công tác thẩm định, phê duyệt thủ tục về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT luôn chú trọng đến công tác thẩm định, giám sát xây dựng và hiệu quả vận hành các công trình, biện pháp BVMT. Các ngành chức năng và các địa phương không ngừng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT trong các doanh nghiệp. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác BVMT, xử lý chất thải rắn, khí thải tại các doanh nghiệp, các KCN, CCN, LN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực BVMT.

Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT tại các KCN, CCN, LN thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về BVMT; kiểm soát chặt chẽ môi trường của các cơ sở sản xuất có nguồn thải, công suất xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao.

Đàm Liễu
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang