Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Cần có giải pháp bảo vệ môi trường cho làng nghề làm miến Nguyễn Huệ
Lượt xem: 13594
Hiện nay, xã Nguyễn Huệ (Hòa An) đang có nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân đầu tư trồng và sản xuất bột dong riềng, chế biến miến dong theo hình thức sản xuất hàng hóa. Sản phẩm được thị trường ưa chuộng, tạo thu nhập cho người dân địa phương, là hướng đi giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, quá trình sản xuất bột dong và làm miến đã và đang gây ô nhiễm môi trường, đòi hỏi cần có những giải pháp cần thiết để bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn của một cơ sở chế biến tinh bột dong riềng ở xã Nguyễn Huệ (Hòa An) chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Nghề trồng dong riềng và sản xuất miến dong đã có ở Nguyễn Huệ từ lâu, tập trung ở các xóm: Canh Biện, Nà Danh, Án Lại. Những năm trước đây, quy mô sản xuất còn hạn chế, cả vùng chỉ có khoảng 20 ha đất trồng dong riềng, mỗi năm chỉ sản xuất được khoảng 20 tấn bột làm miến nên áp lực xử lý chất thải, nước thải chưa lớn, môi trường cơ bản đảm bảo. Nhưng những năm gần đây, nhiều cơ sở mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất bột dong theo quy mô công nghiệp, mở rộng diện tích trồng dong riềng nên lượng chất thải, nước thải từ sản xuất bột dong và chế biến miến phát sinh lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo báo cáo của UBND xã Nguyễn Huệ, vụ sản xuất năm 2021, xã có 248 hộ trồng hơn 90 ha dong riềng, sản lượng khoảng 10.000 tấn củ. Ngoài ra, các xã lân cận trồng hơn 15 ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn củ. Hiện trên địa bàn có 3 hợp tác xã (HTX) đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất bột dong và chế biến miến gồm: HTX miến dong Án Lại, HTX Nà Danh, HTX Nông nghiệp đa ngành nghề. Khu vực xóm Canh Biện hiện có 11 máy xát chế biến tinh bột của các hộ gia đình, không hoạt động kinh doanh (trong đó có 7 máy đã được hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải). Khu vực xóm: Án Lại, Nà Danh, Nặm Loát có 10 máy xát củ chế biến tinh bột hoạt động kinh doanh phục vụ nhu cầu của các hộ dân trong vùng.

Với gần 11.000 tấn củ dong, ước tính năm 2021 xã Nguyễn Huệ sản xuất được khoảng 1.300 tấn tinh bột dong phục vụ sản xuất miến. Nếu đảm bảo quy trình khép kín từ khâu trồng, sản xuất tinh bột đến chế biến miến dong sẽ cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha.

Quá trình sản xuất miến, với sản lượng 1.300 tấn tinh bột bình quân thải ra môi trường khoảng 7,1 m3 nước thải/ngày và 2.600 m3 nước thải/năm. Tuy nhiên, lượng nước thải phát sinh không thường xuyên và được các hộ gia đình xử lý bằng bể tự hoại, ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước thải gồm 21.676 m3/vụ nước thải rửa củ và 65.028 m3/vụ nước thải phát sinh trong quá trình lắng lọc tinh bột. Đồng thời, hoạt động chế biến tinh bột dong phát sinh khoảng 3.252 tấn/vụ bột phôi phát sinh và khoảng 4.300 tấn/vụ bã thải. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý triệt để.

Để xử lý môi trường do hoạt động sản xuất tinh bột và chế biến miến dong của xã Nguyễn Huệ, UBND huyện Hòa An đề xuất 3 phương án. Phương án 1, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà mày chế biến tinh bột và sản xuất miến dong. Tuy nhiên, phương án này đối diện với khó khăn trong thu hút đầu tư, tìm được nhà đầu tư có năng lực; mặt bằng xây dựng nhà máy. Phương án 2, Nhà nước đầu tư hệ thống xử lý nước lắng lọc tinh bột tập trung, đối với chất thải rắn, nước thải rửa củ các cơ sở tự đầu tư xử lý. Phương án này đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, khái toán 10 triệu đồng/m3 nước thải chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, trong khi quỹ đất công của xã hạn chế. Phương án 3, hỗ trợ các cơ sở xây dựng hệ thống xử lý riêng lẻ.

HTX miến dong Án Lại đầu tư trên 50 triệu đồng xây 1 bể lắng lọc tinh bột dung tích 30 m3 xử lý nước thải.

Giám đốc HTX miến dong Án Lại Hoàng Văn Tư cho biết: HTX thành lập năm 2013 với 7 xã viên, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất tinh bột dong riềng phục vụ chế biến miến dong. Hiện, HTX đang hoạt động tương đối hiệu quả, thu hút 15 xã viên, tăng vốn điều lệ lên 2 tỷ đồng, hằng năm sản xuất trên 150 tấn tinh bột dong, giải quyết việc làm cho 30 lao động với thu nhập ổn định. Quá trình sản xuất, HTX nhận thấy vấn đề xử lý nước thải, chất thải là bài toán khó vì nguồn lực đầu tư hạn chế. Vừa qua, HTX đầu tư hơn 50 triệu đồng nhưng cũng chỉ xây dựng thêm được 1 bể lắng lọc dung tích 30 m3. Với công suất chế biến khoảng 100 tấn củ/ngày, để đảm bảo xử lý lượng nước thải phát sinh hằng ngày cần đầu tư ít nhất 5 bể lắng lọc như trên cùng hệ thống máy bơm, máy khoắng... HTX mong được Nhà nước đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Để làng nghề phát triển bền vững, khâu quan trọng nhất là vấn đề xử lý môi trường trong quá trình sản xuất tinh bột dong riềng. Tuy nhiên, công đoạn này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, mặt bằng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn cũng là bài toán khó giải với địa phương trong khi quỹ đất công của xã hạn chế. Mặt khác, việc tận thu các sản phẩm như bã thải phát sinh trong quá trình nghiền xát củ dong riềng, chế biến tinh bột làm thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học... cũng chưa được các cơ sở sản xuất chú trọng. Người dân làng nghề làm miến Nguyễn Huệ rất mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải, góp phần bảo vệ môi trường, nghiên cứu quy trình xử lý chất thải rắn theo hướng hữu cơ, giúp làng nghề phát triển bền vững.

CTV - Ngọc Minh
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang