Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bảo đảm sản xuất nông nghiệp mùa mưa bão
Lượt xem: 5865
Thời tiết năm nay diễn biến bất thường, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn kèm theo giông lốc gây thiệt hại đến tài sản, cây trồng, vật nuôi. Để kịp thời ứng phó với thiên tai, các cấp, ngành chức năng tăng cường dự báo, cảnh báo và thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp và các công trình thủy lợi, nhất là vận hành an toàn các hồ chứa, trạm bơm và hệ thống kênh mương nội đồng; tích cực kiểm tra, giám sát, thống kê, khắc phục sự cố nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và sử dụng hiệu quả các công trình hạ tầng nông thôn.
 Cán bộ Chi cục Thủy lợi, Trạm thủy nông Hòa An kiểm tra thiết bị theo dõi, quản lý nguồn nước, tích nước, vận hành và điều tiết nước tại hồ Khuổi Khoán, xã Ngũ Lão (Hòa An). 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 đợt lốc, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất gây thiệt hại, ảnh hưởng đến 662,15 ha hoa màu, trong đó có trên 640 ha lúa, ngô, 3,2 ha thuốc lá, 17 ha đỗ tương và một số cây trồng khác. 1,69 ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, 1 đập thủy lợi bị cuốn trôi, 3 công trình mương thủy lợi bị đổ, gãy, 1 kênh thủy lợi bị bồi lấp… Ngoài ra, nhiều tuyến đường nông thôn, lưới điện hạ thế, nhà ở của người dân bị sạt lở, hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại 34,5 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân sinh sống, canh tác tại các vùng ven sông, suối, vùng có nguy cơ ngập úng và sạt lở cao nêu cao ý thức tự bảo vệ cây trồng, vật nuôi, gia cố các công trình nhà ở, chuồng trại, chủ động di dời ra khỏi những vùng nguy hiểm. Đối với diện tích canh tác nông nghiệp thường xuyên bị ngập úng, người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đưa các loại giống có khả năng chịu nước vào canh tác, hạn chế thấp nhất tình trạng mất mùa.

Gia đình chị Nông Thị Huệ, xóm Nà Tẻng, thị trấn Nước Hai (Hòa An) sau nhiều năm canh tác đất bãi bồi ven sông đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Chị Huệ chia sẻ: Vụ này, gia đình tôi tận dụng hết diện tích canh tác trồng ngô lai, mướp đắng, cà tím, mướp ngọt, củ đậu, đỗ đũa... Để chống ngập úng trong mùa mưa, gia đình đầu tư làm giàn, thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch, cây ra nhiều quả, hạn chế sâu bệnh và thối thân cây.

Toàn tỉnh hiện có 3.655 công trình thủy lợi, trong đó, 23 hồ chứa, 30 trạm bơm điện, 3.602 công trình đập dâng, phai tạm, 4.425 km kênh mương, đảm bảo nước tưới cho hơn 25.663 ha đất nông nghiệp. Cấp tỉnh quản lý 65 công trình nằm trên địa bàn 9 huyện (trừ huyện Bảo Lâm), gồm 19 hồ chứa, 20 trạm bơm, 26 công trình đập, phai dâng và các hệ thống kênh vận chuyển nước. Cấp huyện quản lý 3.590 công trình, trong đó có 4 hồ chứa, 10 trạm bơm, 3.576 công trình đập dâng, phai tạm, mương tưới và hệ thống kênh mương tưới tiêu. Theo đánh giá, phần lớn công trình quy mô nhỏ, do đầu tư và khai thác lâu năm nên hiện đã xuống cấp, đặc biệt là hệ thống hồ chứa, trạm bơm điện và kênh kết cấu đá xây; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương còn thấp, vì vậy, hiệu quả tưới tiêu chưa cao.

Trạm thủy nông Hòa An được giao quản lý, vận hành 7 hồ chứa, gần 200 km kênh mương, 300 km kênh nhánh thuộc địa bàn các huyện: Hòa An, Trùng Khánh, Nguyên Bình. Ông Nông Văn Khởi, Trạm trưởng Trạm thủy nông Hòa An cho biết: Trước mùa mưa bão năm nay, thông qua các nguồn lực đầu tư, Trạm sửa chữa, nâng cấp một số hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, tuyến mương xung yếu. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch phòng, chống mưa lũ; kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi; tập trung bảo dưỡng máy móc và chuẩn bị sẵn sàng hệ thống máy bơm dã chiến phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp; triển khai các phương án vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm tích nước, xả lũ trong mùa mưa bão; tăng cường cử cán bộ vận hành công trình, trực phòng, chống bão lũ 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật và báo cáo số liệu mực nước, kiểm tra đầu mối công trình đập đất, đập tràn, cống và lưu lượng nước chảy về vùng hạ lưu khi có mưa bão xảy ra. Đối với các hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3, Trạm xây dựng phương án ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp như: tập trung xử lý nhanh các tình huống vỡ đập tràn, phương án di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong việc ứng phó với tình hình diễn biến thời tiết xấu.

Vụ mùa và hè thu, toàn tỉnh gieo trồng 39.983 ha cây lương thực có hạt, trong đó, 25.976 ha lúa, 14.007 ha ngô, 2.057 ha đỗ tương, 1.593 ha lạc, 120 ha gừng trâu… Để phấn đấu đạt năng suất, sản lượng cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Thủy lợi chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thủy nông quản lý, khai thác các công trình; theo dõi, quản lý nguồn nước, tích nước, vận hành, điều tiết hồ chứa theo quy trình; phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, Thành phố kiểm tra việc sửa chữa, nạo vét kênh mương, phát dọn cây cối, khơi thông dòng chảy; bảo dưỡng, sửa chữa các trạm bơm và máy bơm; hướng dẫn các biện pháp tưới tiêu hợp lý; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo kế hoạch sản xuất.  

Theo Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Đoàn Thị Thảo, đơn vị tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt công tác thông tin, truyền tin và cảnh báo thiên tai; xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng các hồ chứa nước thủy lợi, trên cơ sở đó lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; đề xuất bố trí kinh phí xử lý các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; tham mưu triển khai công tác ứng phó mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất đối với công tác thi công xây dựng các công trình kè bờ sông, bờ suối. Chỉ đạo các ngành, địa phương ứng phó và xử lý các tình huống thiên tai theo từng cấp độ xảy ra. Sau mỗi đợt mưa lũ, tiến hành thống kê mức độ thiệt hại để tỉnh, các địa phương có biện pháp ứng phó và khắc phục kịp thời để ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Mùa mưa còn tiếp diễn trong thời gian tới và dự báo mưa lớn sẽ dồn dập vào thời điểm cuối năm, nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021. Vì vậy, đối với sản xuất nông nghiệp, các ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa các giải pháp bảo vệ mùa màng, nhất là đối với cây lương thực, hoa màu canh tác tại vùng trũng, khu vực bãi bồi ven sông; tiếp tục gia cố kè bờ sông, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống thiên tai; khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ cao.

Thái Hà
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang