Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Lượt xem: 755
Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023.

Nghị định này quy định chi tiết Điều 7, khoản 5 Điều 9, Điều 10, khoản 5 Điều 17, Điều 19, khoản 9 Điều 23, Điều 30, khoản 5 Điều 31, Điều 35, khoản 3 Điều 37, khoản 10 Điều 38, khoản 3 Điều 51, khoản 10 Điều 63, khoản 6 Điều 66, khoản 5 Điều 71, khoản 5 Điều 81 của Luật Tài nguyên nước về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; hành lang bảo vệ nguồn nước; việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; quy định nguồn nước phải cắm mốc giới hành lang bảo vệ và việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; ngưỡng khai thác nước dưới đất; xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; chuyển nước lưu vực sông; quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước; hạ tầng kỹ thuật vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực; quy trình điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực; xây dựng quy chế phối hợp vận hành đối với các đập, hồ chứa trên sông, suối; đối tượng, quy mô, chế độ, thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước và lộ trình thực hiện; lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; hạch toán tài nguyên nước và lộ trình thực hiện; việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến tài nguyên nước trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Yêu cầu của hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước

Theo Nghị định, hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo đề án, dự án và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu và phê duyệt kết quả thực hiện theo quy định.

Căn cứ mục tiêu phạm vi, quy mô của đề án, dự án và đặc điểm cụ thể của từng vùng điều tra, cơ quan phê duyệt đề án, dự án quyết định các nội dung công việc, khối lượng, sản phẩm cụ thể của từng đề án, dự án trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí đề án, dự án. Nội dung, định mức, đơn giá điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và đáp ứng được các mục tiêu của đề án, dự án.

Thông tin dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước phải được rà soát, cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước

Nghị định quy định, hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước bao gồm các hoạt động sau đây:

1- Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt được thực hiện trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá tự nhiên và nhân tạo gồm một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt;

b) Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt;

c) Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt;

d) Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; điều tra, phân vùng chức năng nguồn nước mặt.

2- Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất gồm một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất theo các tỷ lệ 1:200.000; 1:100.000; 1:50.000; 1:25.000;

b) Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất;

c) Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất;

d) Điều tra, khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

đ) Điều tra, xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

3- Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

4- Điều tra, xác định danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
5- Điều tra, đánh giá phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước.
6- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, khoản 3 và khoản 4 nêu trên trên phạm vi liên tỉnh;

b) Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 5 nêu trên.

7- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, khoản 3 và khoản 4 nêu trên trên địa bàn tỉnh;

b) Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 nêu trên.

Kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện định kỳ 05 năm một lần

Nghị định nêu rõ, Kiểm kê tài nguyên nước là hoạt động thống kê, đo đạc, tính toán, tổng hợp theo các chỉ tiêu kiểm kê về số lượng, chất lượng nước, khai thác sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước tính đến thời điểm thực hiện kiểm kê.

Kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện đối với các nguồn nước tự nhiên, nhân tạo; nước mưa; các công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và nước biển; các công trình xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước và được tổng hợp theo lưu vực sông, theo đơn vị hành chính.

Kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện định kỳ 05 năm một lần, thống nhất trên phạm vi cả nước, phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Khi đến kỳ kiểm kê, căn cứ nguồn lực, hiện trạng biến động nguồn nước trong kỳ kiểm kê trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tổ chức kiểm kê tài nguyên nước theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc kiểm kê một số chỉ tiêu có biến đổi lớn so với kỳ kiểm kê trước đó hoặc đề xuất sử dụng kết quả kỳ kiểm kê liền kề trước đó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, các địa phương, các tổ chức lưu vực sông (nếu có) xây dựng đề án, kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức kiểm kê tài nguyên nước; tổng hợp, công bố kết quả kiểm kê;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện kiểm kê tài nguyên nước theo đề án, kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh và gửi kết quả kiểm kê tài nguyên nước về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

16 lưu vực sông liên tỉnh phải lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

Theo Nghị định, 16 lưu vực sông liên tỉnh phải lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh bao gồm:

1. Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng và vùng phụ cận.

2. Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và vùng phụ cận.

3. Lưu vực sông Mã và vùng phụ cận.

4. Lưu vực sông Cả và vùng phụ cận.

5. Lưu vực sông Hương và vùng phụ cận.

6. Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng phụ cận.

7. Lưu vực sông Trà Khúc và vùng phụ cận.

8. Lưu vực sông Ba và vùng phụ cận.

9. Lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và vùng phụ cận.

10. Lưu vực sông Sê San và vùng phụ cận.

11. Lưu vực sông Srêpốk và vùng phụ cận.

12. Lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận.

13. Lưu vực sông Cửu Long và vùng phụ cận.

14. Lưu vực sông ven biển Quảng Ninh.

15. Lưu vực sông ven biển Quảng Bình và Quảng Trị.

16. Lưu vực sông ven biển Nam Trung Bộ

Dự án có hoạt động chuyển nước ra khỏi lưu vực sông phải lấy ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Nghị định quy định, các dự án có hoạt động chuyển nước phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước theo quy định của Điều 37 Luật Tài nguyên nước bao gồm các Dự án có hoạt động chuyển nước ra khỏi lưu vực sông mà ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đời sống của Nhân dân thuộc địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố hoặc 02 quốc gia trở lên như sau:

Dự án có hoạt động chuyển nước từ đập, hồ chứa xây dựng trên sông, suối có quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m3 /giây trở lên;

Dự án có loại hình công trình khác đập, hồ chứa mà có hoạt động chuyển nước từ sông, suối không thuộc vùng triều với quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m3 /giây trở lên; từ 10 m3 /giây đến dưới 30 m3 /giây nhưng vượt quá 40% lưu lượng trung bình mùa kiệt tại vị trí chuyển nước;

Dự án có hoạt động đào sông, kênh, mương, rạch, công trình dẫn nước để chuyển nước với quy mô lưu lượng chuyển nước thiết kế từ 30 m3 /giây trở lên; từ 10 m3 /giây đến dưới 30 m3 /giây nhưng vượt quá 40% lưu lượng trung bình mùa kiệt tại vị trí chuyển nước.

Thời điểm lấy ý kiến chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước được thực hiện trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc quyết định đầu tư đối với các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước đối với các dự án quy định tại khoản 1 Điều này.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết về các nội dung khác như phòng, chống khắc phục tác hại do nước gây ra và hạch toán tài nguyên nước; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và quy định về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước;….

Về trách nhiệm thực hiện, Nghị định cũng nêu: Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật, định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập hành lang bảo vệ nguồn nước; hướng dẫn kỹ thuật thực hiện hạch toán tài nguyên nước; quy định kỹ thuật về cấu trúc, chuẩn dữ liệu đối với các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; hướng dẫn kỹ thuật về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm và cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện: việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; việc khoanh định cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; việc lập Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc kết nối, chia sẻ thông tin trên Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

Tổ chức quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tổ chức xây dựng, cập nhật phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước; chỉ đạo việc xây dựng vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ điều hòa, phân phối tài nguyên nước;

Chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước; xây dựng Đề án thành lập tổ chức lưu vực sông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện hạch toán tài nguyên nước theo lộ trình quy định tại Nghị định này.

Về điều khoản chuyển tiếp, đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước: trường hợp Đề cương dự án có hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước đã phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tùy vào điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện theo Đề cương dự án đã được phê duyệt nếu phù hợp với quy định của Nghị định này. Trường hợp không phù hợp với Nghị định này thì rà soát, điều chỉnh để phù hợp.

Đối với quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước: Đối với các hồ chứa thủy điện đã thực hiện cắm mốc giới hoặc đã phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện việc cắm mốc theo phương án được phê duyệt và được quản lý, bảo vệ mốc giới theo quy định của Nghị định này.

Đối với các hồ chứa thủy điện đã nộp phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì trình tự thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, quy định tại Điều 1 của Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và thực hiện cắm mốc theo phương án được phê duyệt;.

Đối với các địa phương đã phê duyệt, công bố Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì có kế hoạch thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này. Trường hợp nội dung Danh mục không đáp ứng điều kiện để thể hiện phạm vi trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì rà soát, điều chỉnh, cập nhật Danh mục theo quy định của Nghị định này.

Đối với các địa phương đã phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 thì phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định của Nghị định này;…

Đối với quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước: Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc đối tượng phải giám sát theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước năm 2012 trước ngày Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đi vào vận hành chính thức thì tiếp tục thực hiện cập nhật, kết nối, truyền số liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của địa phương đối với đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với đối tượng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với địa phương chưa có hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cập nhật, kết nối, truyền số liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước Bộ Tài nguyên và Môi trường để địa phương thực hiện giám sát.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước thì tiếp tục thực hiện và phải tích hợp vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia khi Hệ thống đi vào vận hành chính thức.

Sau khi Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia vận hành chính thức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn việc sử dụng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tỉnh hoặc sử dụng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để giám sát khai thác tài nguyên nước trên địa bàn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định của Chính phủ sau đây hết hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; (2) Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định về Quản lý lưu vực sông; (3) Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước (trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 97 Nghị định này); (4) Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

P.V
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang