Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão
Lượt xem: 4762
Do biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai xuất hiện với những diễn biến bất thường, tần suất ngày càng cao, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống của người dân. Bằng nhiều giải pháp, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh nỗ lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế Dự án kè chống sạt lở bờ sông Bằng tại thị trấn Nước Hai (Hòa An). Ảnh: Hoài An.

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 19 đợt thiên tai, trong đó 3 đợt lở đá tại các xã: Quảng Hưng, Bế Văn Đàn, Phúc Sen (Quảng Hòa); 16 đợt lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ quét tại 10 huyện, Thành phố... làm 3 người chết, 3 người bị thương; 6.404 ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ; 756,86 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 5 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng; 29 tuyến đường bị sạt lở, xói mòn mặt đường... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 80,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thiên tai còn gây ảnh hưởng khá nặng nề đến các hoạt động KT - XH, môi trường…

Để chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, trước khi bước vào mùa mưa, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Xây dựng các phương án phòng, chống và tổ chức thực hiện khi có thiên tai xảy ra với phương châm “chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời - khắc phục có hiệu quả” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Cử cán bộ tham gia tập huấn về PCTT; quản lý, vận hành 10 trạm đo mưa tự động cảnh báo lượng mưa; khai thác 18 trạm đo mưa đơn giản phục vụ dự báo lũ quét, sạt lở đất tại cấp xã, 30 bộ đo mưa cảnh báo tự động tại các huyện, Thành phố.

Củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt tại 161 xã, phường, thị trấn với 8.241 thành viên; lồng ghép tại hội nghị hưởng ứng Tuần lễ kỷ niệm Ngày truyền thống PCTT Việt Nam 22/5, Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai 22/10. Ngành giáo dục và đào tạo lồng ghép, phổ biến kiến thức PCTT, biến đổi khí hậu đến giáo viên, học sinh các cấp học tại 571 trường học.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 9 lớp tập huấn công tác thống kê, đánh giá thiệt hại cho 1.500 lượt người. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương tổ chức kiểm tra 22 hồ chứa thủy lợi; tổng hợp an toàn hồ chứa 17 công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, cơ bản đảm bảo an toàn mùa lũ năm 2021. Di dời 147 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về thiên tai.

Cùng với việc xây dựng biện pháp, phương án PCTT&TKCN, công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn được chú trọng. Từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương khắc phục hậu quả thiên tai, bố trí 30 tỷ đồng thực hiện xây dựng công trình kè chống sạt lở sông Bằng, bảo vệ khu dân cư thị trấn Nước Hai (Hòa An); riêng năm 2020, bố trí gần 212,25 tỷ đồng thực hiện các dự án kè chống sạt lở sông, suối.

Bố trí 76,6 tỷ đồng ngân sách dự phòng tỉnh khắc phục hậu quả các đợt thiên tai, trong đó, hỗ trợ thiệt hại về người 175 triệu đồng; nhà ở 7,2 tỷ đồng; hoa màu 757 triệu đồng; công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn 4,6 tỷ đồng; các tuyến đường tỉnh, đường liên xã 47,3 tỷ đồng; công trình hạ tầng cơ sở 10,5 tỷ đồng; di dời nhà ở ra khỏi vùng nguy cơ cao 5,94 tỷ đồng...

 

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Lưu Trọng Hính cho biết: Rút kinh nghiệm đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ trên diện rộng tại các xã: Sóc Hà, Quý Quân, Trường Hà và thị trấn Xuân Hòa gây thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản và nhiều công trình công cộng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện xây dựng kế hoạch PCTT, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tuyên truyền, vận động người dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét di chuyển đến nơi an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn chủ động kiểm tra thực địa tại các điểm có nguy cơ sạt lở đất, công trình thủy lợi trọng yếu, đưa ra phương án xử lý kịp thời tránh thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ cấp huyện đến cấp xã; tích cực huy động các lực lượng chủ động cùng chính quyền tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát và sửa chữa, gia cố các công trình hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Theo đánh giá của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mùa mưa năm 2021, tổng lượng mưa có khả năng dao động ở mức thấp so với trung bình nhiều năm và cao hơn so với năm 2020. Trên cơ sở nhận định xu thế thời tiết, thiên tai và diễn biến bão lũ năm 2021, các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tiếp tục thực hiện phương án PCTT theo kế hoạch.

Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả các đội xung kích PCTT cấp xã; tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng công trình PCTT và những khu vực, vùng dân cư có nguy cơ cao về thiên tai; đề xuất giải pháp và kinh phí thực hiện các hệ thống dự báo, cảnh báo hồ, đập; đảm bảo an toàn khu dân cư, các trung tâm kinh tế, chính trị và các công trình trọng điểm; truyền thông thông tin thiên tai đến người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.

Phổ biến, xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược Quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh; triển khai phong trào thi đua “Chủ động PCTT, xây dựng cộng đồng an toàn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động; Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”...

Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu tỉnh ta chia thành 2 mùa rõ rệt. Hằng năm, ngoài rét đậm, rét hại diễn ra vào tháng 1 - 2, tỉnh ta còn chịu giông, lốc, sét vào tháng 4, 5; mưa lớn gây lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, đường giao thông và ngập úng ở vùng núi đá từ tháng 7 - 9. Do BĐKH, tình hình nắng nóng gay gắt hơn, thiên tai, hạn hán diễn ra trong tháng 4, 5, 9, 10 hằng năm.

Thu Hoài - Báo Cao Bằng
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang