Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Lượt xem: 12031
Ngày 13/3/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở; lãnh đạo, công chức, người lao động các phòng quản lý nhà nước; lãnh đạo và trưởng, phó các đơn vị trực thuộc Sở; lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thành phố. Ông Nông Văn Chiêm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường dự và chỉ đạo hội nghị.
anh tin bai

Ông Chu Đức Quang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu.

Luật đất đai 2013 ra đời đánh dấu những đổi mới về chính sách đất đai, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời khắc phục, giải quyết nhiều tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật đất đai năm 2003. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật đất đai 2013 về cấp GCNQSDĐ đang còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, do vẫn còn đó những quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn đặt ra, có quy định còn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật,... Do tính chất quan trọng của hoạt động cấp GCNQSDĐ nên rất cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động này. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đòi hỏi Nhà nước phải thực hiện đồng bộ, tổng thể các giải pháp mà một trong số đó rất cần ban hành Luật đất đai sửa đổi thay thế Luật đất đai 2013 nhằm phát huy vai trò quan trọng của pháp luật đất đai đối với đời sống xã hội.

 
anh tin bai

Các đại biểu dự hội nghị.

Tại hội nghị các đại biểu tham gia góp ý các điểm mới nhằm giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại như: Quyền sử dụng đất của hộ gia đình, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất, đối tượng sử dụng đất, quyền của người sử dụng đất, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất, xác định giá đất… Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu cho rằng:

Về quyền sử dụng đất của hộ gia đình:

 Theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Theo khoản 2 Điều 5 Dự thảo thì: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình)”.

anh tin bai

Bà Vũ Như Thủy, Trưởng phòng Quản lý đất đai tham gia góp ý kiến tại hội nghị.

 

          Nhận thấy, Dự thảo đã tháo gỡ được vướng mắc về việc “đang sống chung” khi xác định quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Bởi lẽ, thực tế nhiều trường hợp các thành viên trong gia đình không sống chung nhưng có công sức đóng góp tạo lập tài sản chung và có nguyện vọng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Đồng thời, theo khoản 5, Điều 143 Dự thảo thì Dự thảo đã liệt kê cụ thể tên các thành viên trong hộ gia đình trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này sẽ giảm bớt những thủ tục hành chính liên quan đến việc xác định chính xác các thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất chung. Tuy nhiên, nội dung Dự thảo vẫn chưa làm rõ được hai vấn đề sau đây:

          - Thứ nhất: Dự thảo đề cập “có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”. Vấn đề đặt ra là, quyền sử dụng đất được nêu tại khoản 2 Điều 5 Dự thảo là quyền sử dụng đất riêng hay quyền sử dụng đất chung. Đối với đất hộ gia đình thì việc ghi nhận rõ là quyền sử dụng đất chung là phù hợp.

          Đồng thời, theo điểm a khoản 2 Điều 28 Dự thảo thì: “Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa và nghĩa vụ sau đây: a. Nhóm người sử dụng đất gồm thành viên hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân theo quy định của Luật này”. Nhận thấy, nhóm người sử dụng đất có chung quyền sử dụng đất có nhóm thành viên hộ gia đình.

anh tin bai

Ông Vũ Thế Cương, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh góp ý kiến với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

          - Thứ hai: Theo Dự thảo thì: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình)”.  Như vậy, việc xác định thời điểm “trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành” là không phù hợp. Bởi lẽ, một đặc điểm khác biệt trong mối quan hệ sử dụng đất chung của hộ gia đình là họ phải được cấp chung và cấp cùng thời điểm. Trường hợp đất sử dụng chung cấp cho hộ gia đình nhưng người cấp trước, người cấp sau thì sẽ mất đi giá trị ban đầu mà chế định về việc cấp quyền sử dụng đất chung cho hộ gia đình muốn hướng tới. Kiến nghị: Bổ sung quy định tiếp tục quy định hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất:

Theo khoản 1 Điều 95 Luật đất đai 2013 theo khoản 1 Điều 132 Dự thảo thì: “Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu”. Nhận thấy, theo dự thảo và luật đất đai vẫn chưa làm rõ nội dung đang mâu thuẫn giữa hai quy định này khi việc đăng ký đất đai là bắt buộc, việc đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tự nguyện (thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu, tức là có hoặc không). Vậy, trường hợp bồi thường tài sản trên đất sẽ được xác định như thế nào khi chủ sở hữu không yêu cầu đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Kiến nghị: Cần bổ sung quy định về việc đối với những tài sản gắn liền với đất trong trường hợp nào chủ sở hữu cần phải đi đăng ký để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp khi “tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ” thì cần có các Giấy tờ pháp lý nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu.

 

Góp ý đối với Điều 121 “Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”:

1. Đất dự phòng và đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

2. Đất được giao để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp: đất được giao sử dụng chung với đất được giao quản lý thì được chứng nhận phần quyền sử dụng theo quyết định giao, cho thuê của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất; đất nhận khoán, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện."

Góp ý đối với khoản 3. Nên quy định là: "Đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đất nhận khoán."

Góp ý đối với khoản 4. Nên bổ sung: "Đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện hoặc khi có quyết định kết thúc, điều chỉnh dự án của cơ quan có thẩm quyền."

Lý do cần bổ sung thêm "khi có quyết định kết thúc, điều chỉnh dự án của cơ quan có thẩm quyền" vì: có những trường hợp không thực hiện dự án nữa hoặc khi thực hiện không lấy đến đất của người dân, thì người dân không phải chờ để được cấp giấy chứng nhận.

 

anh tin bai

Ông Đoàn Ngọc Báu, Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản tham gia góp ý kiến.

 

Góp ý đối với Điều 122 “ Cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất”

"1. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận bao gồm nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp sau khi cấp Giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý.

2. Việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định của Chính phủ."

Góp ý đối với khoản 1. Nên bổ sung: "Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận bao gồm nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm, tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp sau khi cấp Giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý."

Bổ sung nội dung "tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật" vì theo Nghị định số 21/2021/NĐ-CP Quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tại khoản 4 Điều 3 quy định: "Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật". Bổ sung để đồng nhất khái niệm được quy định tại các văn bản luật khác.

Về đối tượng sử dụng đất

          - Theo Điều 5 Luật Đất đai 2013 và Điều 5 Dự thảo quy định về người sử dụng đất thì “cá nhân người nước ngoài” không được xem là người sử dụng đất, không được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.

          Quy định này cần được xem xét lại để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hiện hành, cụ thể:

          Theo điểm b khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.

          - Theo khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định “cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở” và khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: “Việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.

          Như vậy, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Nhà ở 2014 thì cá nhân người nước ngoài được Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng theo Dự thảo thì lại không được thừa nhận quyền sử dụng đất. Điều này dường như chưa phù hợp và có sự chưa thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.

          Đồng thời, theo quy định này thì quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người mua nhà là cá nhân người Việt Nam sẽ không được đảm bảo và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quy định này trong trường hợp mua bán nhà ở với cá nhân là người nước ngoài.

          Kiến nghị: Cần sửa đổi, bổ sung người sử dụng đất là “cá nhân người nước ngoài” để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân là người Việt Nam trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài.

 

anh tin bai

Lãnh đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai chi nhánh Thành phố góp ý kiến.


Về quyền của người sử dụng đất:

Cần sửa đổi quy định nêu tại khoản 1 Điều 29 Dự thảo phù hợp và đồng nhất với quy định pháp luật trong Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 để tránh việc chồng chéo, không thống nhất khiến việc áp dụng thực tiễn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cho người dân.

Về giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất

          Cần sửa đổi quy định về thời điểm phát sinh hiệu lực của các giao dịch theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 để đảm bảo giao dịch công bằng, đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích của bên nhận chuyển nhượng hơn, tránh những rủi ro không đáng có cho các bên tham gia giao dịch.

 

Ông Chu Đức Quang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan về sửa đổi Luật Đất đai. Đồng thời, đề nghị công chức, viên chức và người lao động; các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là ý kiến về các nội dung trọng tâm và các nội dung có liên quan đến phạm vi quản lý của ngành tài nguyên và môi trường, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

    Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo kết quả về UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Đàm Liễu - VPĐKĐĐ
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH CAO BẰNG

Trưởng ban biên tập: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Điện thoại: 02063852372 - FAX: 02063.850372 - Email: tainguyenmoitruong@caobang.gov.vn
Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Cao Bằng.Bản quyền nội dung thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang